Lệ Thu và Mùa Thu Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác, Đạp lê lá vàng khô?
Thursday, November 17, 2011
THANH THUÝ : Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm.
Thanh Thuý là một nghệ sĩ có tư cách, có phẫm hạnh. Cô không gây một ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân.
Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thuý và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng nhất.
Ở trên chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí.
Cô có cái thông minh của cô gái sớm mồ côi, có cái uyễn chuyễn mềm mại của kẻ sớm chạm trán với cuộc đời gai góc, có tư cách cao sang để dọn đường đi lên xã hội thượng lưu.
Lần đầu tiên, vào năm 1959, tôi được xem Thanh Thuý đơn ca trong buổi đại nhạc hội do ban thoại kịch Kim Cương trình diễn tại rạp Aristo (đường Lê Lai) vào buổi xế. Thanh Thuý xuất hiện với chiếc áo dài trắng bằng lụa mềm mại và chiếc quần sa teng tuyết nhung trắng.
Cô hát bản "Chờ Anh Bên Đồi" của Xuân Tiên. Bản này hầu như không có chổ xuống trầm để Thanh Thúy biểu diễn giọng trầm và dội sâu của mình.
Cô chỉ có thể biểu diễn cái bẻ quặt giọng hát khi lên chổ hơi cao để giọng hát sắc vút lên một cách thống thiết. Sau đó,
Thanh Thúy hát bài "Nhạt Nắng" của Xuân Lôi.Bài này có vài chổ xuống trầm để cô biểu diễn giọng alto (bán trầm) ấm áp và rền rền. Khi xuống trầm, giọng cô như từ chiếc bánh bèo xứ Huế mỏng dính và mát rượi được căn phồng sinh lực để hóa thân thành cái bánh ít trần miền Nam dầy cộm.
Đã vậy, âm sắc của giọng quý báu kia thật nồng nàn, thật thắm đượm.
Bài "Nhạt Nắng" cũng có chổ khá cao để cô bẻ giọng làm phù thủy âm thanh, để diễn tả nổi đau đớn đến quằn quại như tích lũy từ bao đời tận đáy tâm khảm của cô.
Chổ xuống trầm là chổ hát chân truyền, còn chổ bẻ giọng là chổ quái chiêu. Khán thính giả bị thôi miên bởi những chổ quái chiêu đó, tức là những cái fantaisies kỳ lạ do cô sáng tạo để lối trình diễn của mình trở nên độc đáo, nổi bật hơn lối trình diễn của các ca sĩ thời danh trước cô và đồng thời cùng cô.
Nhà thơ lớn Hoàng Trúc Ly đã cảm khái về nhân dáng và về tiếng hát của Thanh Thúy qua những câu thơ lục bát như sau:
Ngày em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lằng nghe xương thịt tan thành hư vô.
Tiếng hát Thanh Thúy khàn đục ở những chổ ngang ngang và ở những chổ xuống trầm. Khi lên cao, cô không rống để giữ nguyên vẹn âm lượng. Cô tét qua giọng ẻo lả ỏn thót để tạo một thứ thống thiết, để diễn tả tâm trạng đau khổ đến cực độ. Và ở chổ ngang ngang, cô củng làm cho rạn nứt để khán thính giả có cảm tưởng mỗi khe nứt rướm máu, rướm nước mắt. Cô cố tình nhuộm âm sắc của giọng hát cô một màu đen đậm.
Thanh Thúy dàn trải làn hơi không đều, cho nên câu hát không dịu muốt như tháp bút. Nhưng khán thính giả bị lối trình bày uốn éo, xóay quặn của cô kích thích và thôi miên vào cơn đồng thiếp nên họ quên mất cái điểm then chốt đó. Cô là một nhà ảo thuật âm thanh.
Cô giỡn vọc âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ.
Chuỗi ngân của Thanh Thúy không đều, không gợn những nét mềm dịu. Nhưng khán thính giả cũng đâu cần điều ấy. Bắt đầu qua thập niên 60, đã có những Phương Dung, Thanh Tuyền, và sau nữa là Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan và Giáng Thu, nào có ai biết ngân nga mà vẫn nổi tiếng như cồn đó sao? Thanh Thúy dù ngân nga không vững lắm, nhưng còn biết kéo dài trường độ một nốt nhạc để có những lượn sóng hiện ra dù ít, dù hơi thô rít đi nữa.
Hai bản nhạc của Trúc Phương là "Nửa Đêm Ngòai Phố" và "Tàu Đêm Năm Cũ" chỉ được Thanh Thúy hát vài lần là nổi tiếng. Vào các thập niên 50,60,70, những bài hát theo thể điệu bolero của những nhạc sĩ thời danh như Song Ngọc, Minh Kỳ, Lê Dinh, Anh Bằng, Hòai Linh, Anh Việt Thu do cô diễn tả bằng cách tô đậm sắc tháim, bằng cách phá thể đều được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt say sưa.
Ngòai ra những nhạc phẫm có giá trị như của Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Lê Mộng Nguyên, Hoàng Trọng cũng được cô trình bày với phong cách gừng cay muối mặn, củng được hoan nghinh không kém. Cho nên liên tiếp ba năm, trong cuộc trưng bày ý kiến khán thính giả bốn phương do nhật báo Trắng Đen tổ chức, cô là nữ ca sĩ ăn khách nhất.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment