Lệ Thu và Mùa Thu Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác, Đạp lê lá vàng khô?
Monday, November 28, 2011
KIM TUYẾN : Tiếng ca lạc loài trong kịch giới.
Những nữ diễn viên của ngành ca kịch cải lương gốc người Bắc thường hát tân nhạc rất rựa ràng. Nhóm ca sĩ tiền phong của nền Tân nhạc Việt Nam đều xuất thân từ những người ấy, chẳng hạn như Ái Liên, Lan Phương, Kim Chung, Kim Xuân, Bích Thuận,Bích Hợp, Phụng Khánh. Còn trong Nam thì có Kim Thoa, Tuý Hoa. Đến khi đất nước ngăn đôi bởi hiệp định Genève,tại miền Nam đã có Bích Sơn, Hương Lan,Phượng Mai và Kim Tuyến.
Kim Tuyến có khuôn mặt không phải ở chi tiết. Về hình thức,đôi mắt cô chẳng có gì đặc biệt, nhưng cái nhìn và khoé mắt cô rất tình tứ khi cô đóng vai lẳng, tròng mắt đưa qua đưa lại lóng lánh sóng thu. Đôi mắt ấy đẫm lệ bổng trở nên đẹp tuyệt vời khi cô đóng vai thương cảm trong vở "Ả Đào Say" do Hoàng Thi Thơ thực hiện. Vai nàng danh kỷ trong vở tuồng này gồm có những màn lẳng lơ, say khướt và bi hùng đã từng được con dao pha kịch nghệ Xuân Dung diễn rất luyện đạt trên sân khấu.
Khi hát tân nhạc, Kim Tuyến chọn những bài dễ hát và dễ đi sâu vào khối đông khán thính giả. Giọng cô mượt mà như rêu xanh nhuyễn mịn bám trên những tảng lam thạch, khi hát có những chổ nhấn vuốt du dương, có những chổ luyến láy uyển chuyển và mềm mại,có những thoáng truyền cảm đậm đà.Nhưng thật ra,đó là giọng không có bản sắc độc đáo.Khi hát những bản phổ thông và dễ hát,cô cũng biết ngân nga dờn dợn để câu hát khỏi trần trụi trơ trẻn.Đây là một giọng hát nhà nghề, nhưng không phải là một giọng hát có chiều hướng đi lên tột đỉnh của nghệ thuật.
Tiếng hát của Kim Tuyến không gợi nên nét thêu kim tuyến diêm dúa trên gấm sáng chói,trên nhung mượt mà như cái nghệ danh của cô.Nó bình dị như hoa phù cừ trong đầm lênh láng nước trong mát, đằm thắm như hoa ngọc nữ trồng trong chậu sứ Giang Tây.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment